Băng tải cao su lòng máng
Băng tải cao su lòng máng là dòng băng tải cao su thường gặp nhất trong hệ các dòng băng tải cao su. Ứng dụng chính của băng tải cao su lòng máng là tải các sản phẩm rời, còn gọi là hàng xá. Thuật ngữ Tiếng Anh gọi là bulk products.
Video dưới đây là một cụm băng tải cao su lòng máng điển hình, đang được chế tác tại Xưởng Cơ Khí Băng Tải Việt Phát.
Khái niệm băng tải cao su lòng máng
Như tên gọi, băng tải cao su lòng máng có vật tư dây băng tải làm bằng chất liệu cao su. Các bạn có thể coi thêm về chất liệu băng tải cao su tại đây: Những Điều Cần Biết Về Băng Tải Cao Su.
Và lòng máng thì là hình định dạng của dây băng tải cao su trên khung sườn băng tải. Dây băng tải cao su uốn cong lên hình lòng một cái máng, nên gọi là lòng máng. Đỡ dưới dây cao su lòng máng là các con lăn trượt tạo hình tam giác.
Mẫu hệ thống nguyên cụm băng tải cao su lòng máng do Băng Tải Việt Phát thiết kế chế tạo.
Ứng dụng của băng tải cao su lòng máng
Như đã liệt kê đầu bài viết, băng tải cao su lòng máng thiên về ứng dụng tải hàng rời, hàng xá. Rất hữu dụng cho việc tải hàng xá lên xuống dốc với khoảng cách lớn và góc đổ dốc không quá lớn.
Có thể kể tới vài ngành công nghiệp sử dụng rất nhiều băng tải cao su lòng máng như sau:
Các ngành xây dựng, khai khoáng, xi măng, sắt thép, dăm gỗ… Ứng dụng tải đất, cát, đá, than, xi măng, vật liệu xây dựng dạng rời…
Ngành kho bãi, bến cảng… Ứng dụng tải rất nhiều loại sản phẩm khác nhau. Các bạn có thể thấy dòng băng tải cao su lòng máng này hiện diện gần như mọi nơi ở các tỉnh ở Miền Tây, trong các kho hàng hoặc các nhà máy chế biến gạo, đổ gạo lên và xuống giữa bè, xà lan và kho hàng hoặc xưởng sản xuất.
Video dưới đây là một cụm băng tải cao su lòng máng lắp treo trên nóc nhà xưởng của một nhà máy sản xuất thức ăn gia súc tỉnh Đồng Nai.
05 lý do các doanh nghiệp nên sử dụng băng tải cao su lòng máng
Băng Tải Việt Phát liệt kê một số ưu điểm các doanh nghiệp luôn cân nhắc khi sử dụng băng tải lòng máng như dưới đây:
Đa dạng về sản phẩm tải
Băng tải cao su lòng máng khá đa dạng về sản phẩm tải. Nó có thể tải truyền than, đá, xi măng, bột gỗ, phôi thép… hay gạo, thực phẩm, trái cây… đều được.
Công suất tải lớn
Băng tải cao su lòng máng nói riêng, băng tải cao su nói chung, là một dạng băng tải “trâu bò” hơn so với các dòng băng tải khác. Chúng có thể tải nặng, thiết kế công suất tải lớn theo yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp mà hầu như không có hạn chế kỹ thuật nào đáng kể.
Đa dạng về khả năng thích ứng của các loại dây băng tải
Dây băng tải cao su có thể chịu nhiệt, chịu dầu, chịu hóa chất, hoặc thậm chí được chế tạo để tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm vẫn an toàn thực phẩm. Các bạn sẽ thường gặp các hệ thống băng tải cao su lòng máng sử dụng băng tải cao su trắng an toàn thực phẩm trong các nhà máy sản xuất mía đường.
Dải nhiệt độ của dây băng tải từ nhiệt độ trung bình có thể lên tới 250 độ C. Cũng có loại chịu dầu, mỡ, hóa chất.
Dễ thiết kế vượt địa hình phức tạp
Địa hình vượt dốc, trên cao, chuyển tải đường dài từ khu phân xưởng này sang phân xưởng khác mà không cản trở giao thông nội bộ, băng tải cao su lòng máng có thể coi là một lựa chọn xuất sắc nhất, phù hợp nhất.
Giá thành rẻ và chi phí đầu tư thấp
So với các dòng băng tải khác, băng tải cao su lòng máng thiết kế cho công suất tải lớn có giá thành khá rẻ. Cũng tương ứng là chi phí đầu tư thấp.
Một cụm băng tải rộng dây băng 600mm, dài 10 mét, giá thành chỉ xấp xỉ 80.000.000 VND tại thời điểm đăng bài viết này. Các bạn có thể ước toán chi phí đầu tư theo quy cách kỹ thuật các bạn yêu cầu.
Cấu tạo chính của băng tải cao su lòng máng
Khung sườn và khung chân băng tải thường được làm bằng thép sơn tĩnh điện hoặc sơn epoxy. Hầu như chúng ta không sử dụng inox, vì băng tải cao su lòng máng kích thước lớn, chi phí vật tư inox khi chế tác băng tải sẽ rất cao, đẩy giá thành cao lên mức không cần thiết.
- Dây băng tải: Tùy yêu cầu ứng dụng. Có thể là dây băng tải mặt trơn khi chạy thẳng, hoặc gân V khi lên xuống dốc, hoặc dây băng tải cao su cánh gạt riềm tai bèo, hay còn gọi là băng tải cao su tai bèo vách ngăn, nếu lên xuống dốc với độ dốc lớn…
- Tang ru-lô chủ động và bị động: thường chế tác bằng sắt mạ kẽm. Đôi khi cũng làm bằng inox khi sử dụng trong môi trường nước hoặc hơi nước.
- Hệ thống nâng hạ thủ công khi ít yêu cầu nâng hạ, hoặc hệ thống nâng hạ truyền động motor khi tác vụ nâng hạ thường xuyên xảy ra. Ví dụ như các băng tải nâng hạ lên xuống hàng xe tải, xe container…
- Bánh xe di động khi cần di chuyển thường xuyên. Luôn luôn bọc cao su bánh xe.
- Con lăn đỡ dây băng tải, thiết kế hình chữ V hoặc hình thang được làm bằng sắt mạ kẽm hoặc inox. Làm bằng inox trong trường hợp sử dụng trong môi trường nước hoặc hơi nước.
- Hệ thống điều khiển tự động bằng điện, nên có biến tần điều khiển tốc độ để điều chỉnh công suất tải. Biến tần còn có tác dụng bảo vệ motor, tăng tuổi thọ motor, vì khi bật nguồn điện, motor sẽ không bị giật.
- Nguồn điện nhà máy, thường là 01 pha hoặc 03 pha. Khi đặt mới hệ thống băng tải, đơn vị chế tạo băng tải và người sử dụng nên khảo sát vị trí xa gần của nguồn điện tới tủ điều khiển và cách đi dây, tránh xung đột lợi ích không cần thiết khi nghiệm thu hoàn công.
Video dưới đây là một cụm băng tải cao su lòng máng với 03 con lăn đỡ dây băng đang test vận hành tại Xưởng Cơ Khí Băng Tải Việt Phát, địa chỉ C90 Đường Vườn Thơm, Huyện Bình Chánh, TP HCM.
Các điểm cần chú ý khi thiết kế băng tải cao su lòng máng
Có một số điểm cần lưu ý khi thiết kế chế tạo băng tải cao su lòng máng, đặc biệt với các đơn vị cơ khí không chuyên ngành băng tải. Điểm này cũng nên để ý với các đơn vị sử dụng băng tải thuê các đơn vị cơ khí bên ngoài gia công chế tác.
Độ dày của dây băng tải cao su
Thường là dây băng tải cao su đen. Các lựa chọn độ dày 05 mm, 07 mm, 08 mm, 10 mm, 12 mm, 15 mm, 20mm. Thiết kế lên xuống dốc góc nhỏ dưới 30 độ có thể sử dụng băng tải cao su gân V. Còn tùy thuộc độ đổ dốc của vật liệu tải nữa. Dốc cao trên 35 độ nên đổi sang dòng băng tải cao riềm tai bèo cánh gạt, chứ không sử dụng kết cấu lòng máng nữa.
Các yêu cầu dây băng tải cao su chịu nhiệt, chịu dầu, chịu hóa chất, an toàn thực phẩm… chỉ yêu cầu khi thực sự có nhu cầu kỹ thuật đó. Vì nó đội giá thành dây băng tải cao su lên nhiều, khó thay thế vật tư sau này. Và đôi khi tính năng kỹ thuật đặc thù đó lại làm giảm độ bền vật lý so với dây băng tải cao su thường.
Phụ kiện băng tải
Phụ kiện băng tải các bạn nếu có thể được nên liên hệ với các đơn vị cung cấp phụ kiện băng tải. Các công ty chuyên cung cấp phụ kiện băng tải các loại có rất nhiều dòng phụ kiện băng tải có sẵn. Các bạn mua về sử dụng tiết kiệm hơn rất nhiều so với tự chế tác: rẻ hơn, bền hơn, đúng chuẩn kỹ thuật, không có sai số kỹ thuật, dễ thiết kế, dễ thay thế vật tư sau này…
Xem thêm: Hướng Dẫn Tính Toán Thiết Kế Chế Tạo Băng Tải Toàn Tập.
Thiết kế tang ru-lô băng tải
Tang ru-lô băng tải cao su lòng máng còn được gọi là trục tang, hay quả tang, hay pulley băng tải theo thuật ngữ Tiếng Anh. Điểm quan trọng là các bạn nên tư vấn với các đơn vị cung cấp dây băng tải để kiểm tra yêu cầu đường kính trục tang ru-lô tối thiểu với từng loại độ dày dây băng tải cao su là bao nhiêu.
Nếu đường kính quá nhỏ thì nhanh nứt đứt mối nối ép nhiệt của dây băng tải cao su, hoặc nứt chân cánh gạt, riềm tai bèo… Đường kính quá lớn thì tốn chi phí chế tác vận hành.
Có thể cân nhắc sử dụng tang lồng thay thế tang ống nếu đường kính ru-lô quá lớn. Sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí chế tác.
Video dưới đây là sơ lược các mẫu băng tải do Băng Tải Việt Phát thiết kế chế tạo, trong đó có dòng băng tải cao su lòng máng khúc giữa video. Các bạn có thể so sánh đối chiếu khác biệt cơ bản giữa băng tải cao su lòng máng với các dòng băng tải phổ thông khác qua video minh họa này.
Số lượng và khoảng cách con lăn đỡ
Con lăn đỡ dây băng tải cao su lòng máng có hai dạng. Dạng 02 con lăn và dạng 03 con lăn.
Dạng 02 con lăn thường áp dụng cho hệ băng tải có bản rộng dây băng 600 mm đổ xuống. Dạng 03 con lăn áp dụng cho hệ băng tải có bản rộng dây băng 700 mm trở lên. Bản rộng dây băng tải cao su dưới 400 mm không thiết kế dạng lòng máng. Vì bản rộng quá nhỏ, không đủ để tạo hình lòng máng cho dây băng tải cao su.
Khoảng cách theo chiều dọc băng tải giữa các con lăn từ 400 mm tới 700 mm, tùy ứng dụng tải, sản phẩm tải. Và cũng tùy thuộc vào người thiết kế nữa…
Video bên trên quay lại cảnh sản xuất con lăn băng tải, cung cấp cho cả các hệ thống băng tải cao su lòng máng, tại xưởng cơ khí chế tạo băng tải của Băng Tải Việt Phát. Các bạn coi video tham khảo công đoạn sản xuất này.
Vật liệu khung sườn khung chân băng tải
Như đã chia sẻ phần bên trên, băng tải cao su lòng máng thường kích thước lớn. Chúng ta chỉ nên sử dụng vật liệu thép. Sơn chống gỉ có mấy cấp. Phổ thông hay sử dụng sơn tĩnh điện hoặc sơn epoxy. Video dưới đây mô tả công đoạn sơn epoxy trong chế tác một cụm băng tải cao su lòng máng với thiết kế 02 con lăn đỡ dây băng và khung sườn thép. Các bạn coi video tham khảo.
Reviews
There are no reviews yet.