Trục tang pulley băng tải là gì?
Trục tang pulley băng tải thông thường là hai trục đầu chủ động (driving pulley) và đầu bị động (idle pulley) của một hệ thống băng tải có dây băng tải dạng tấm bám trục và kéo tải bằng ma sát mặt đáy dây băng với mặt pulley.
Dây băng tải chạy cho các dòng này có mấy dòng dây băng phổ thông sau:
- Băng tải PU;
- Băng tải PVC;
- Băng tải PVK;
- Băng tải cao su;
- Tham khảo: Top 10 dòng băng tải công nghiệp thường gặp nhất.
Các đầu chủ bị động của các dòng băng tải chạy bằng truyền động xích sên và bánh nhông thì thường không được gọi là trục tang pulley.
Một số cách gọi phổ thông khác tùy từng địa phương: trục ru-lô, trục tang, quả lô, pu-li, bu-li… Nói chung đều là một khái niệm.
05 trường hợp chúng ta cần bọc cao su cho trục pulley của băng tải?
Đại để có 05 trường hợp Băng Tải Việt Phát tạm liệt kê dưới đây chúng ta nên bọc cao su cho pulley của băng tải:
- Tăng ma sát bám dây băng tải với mặt pulley để chống trượt dây băng khi truyền động kéo;
- Chống sàng dây băng;
- Bảo vệ trục pulley với dòng băng tải xích lưới tải mặt hở tải sản phẩm góc cạnh;
- Giảm tiếng ồn vận hành băng tải trong nhà xưởng;
- Tăng tuổi thọ dây băng với dây băng đúc liền giá trị cao.
Cũng có cách trường hợp kỹ thuật khác chúng ta có thể bọc cao su cho trục pulley, tùy yêu cầu kỹ thuật đặc thù của hệ thống khi thiết kế. Tuy nhiên, các lý do cần bọc cao su cho pulley chủ yếu thường không vượt qua 05 lý do trên.
Bọc cao su cho pulley sử dụng vật liệu gì?
Câu trả lời đương nhiên là “vật liệu cao su” rồi. Nhưng trên góc độ kỹ thuật, trả lời vậy chưa đủ.
Khi bọc cao su cho pulley băng tải, các bạn không nên sử dụng dây băng tải cao su có lớp bố (tức là có chỉ số EP). Các lớp bố này tạo độ cứng cho dây băng tải, nhưng khi bọc pulley sẽ rất nhanh bung lớp dán ép keo. Một số đơn vị băng tải tận dụng dây băng tải dư dạng đầu thừa đuôi thẹo để bọc pulley. Dạng dây băng tải này có lớp bố, bọc được thì tuổi thọ sử dụng cũng rất thấp.
Vậy, vật liệu bọc cao su cho pulley là vật liệu cao su tấm không có bố.
Tiếp tới, có 02 dòng mặt cao su hay sử dụng. Mặt tấm cao su trơn và mặt tấm cao su xẻ rãnh. Nói chung đều ổn cả về chất lượng. Một loại ma sát cao hơn. Một loại bền mặt cao su của pulley hơn.
Cách bọc cao su cho pulley băng tải
Thường thì khi các bạn không chuyên, các bạn nên tìm các đơn vị chuyên băng tải để gia công phần pulley băng tải bọc cao su này giúp các bạn. Tuy nhiên, các bạn cũng có thể tự làm. Video trên đây minh họa công đoạn cuối bọc cao su tấm xẻ rãnh cho pulley băng tải, gia công tại Băng Tải Việt Phát. Các bạn có thể tham khảo.
Tự gia công bọc cao su cho pulley băng tải thì các bạn chú ý vài điểm sau:
- Chuẩn bị trước rulo thép đã gia công;
- Chuẩn bị tấm cao su trơn hoặc xẻ rãnh, chiều dài bằng chu vi pulley, chiều rộng bằng bản rộng lọt lòng của băng tải. Không nhất định lớp cao su bọc phải trùm hết bản rộng ống của pulley;
- Mài nhám mặt pully và một mặt tấm cao su;
- Vệ sinh sạch bụi;
- Quét keo mặt pully và mặt cao su đã mài nhám. Để khô. Độ khô ở mức các bạn chạm đầu ngón tay vô mặt keo thấy gần hết dính là ok;
- Quấn tấm cao su lên mặt pulley cho hai lớp keo dính sơ nhau. Tăng chỉnh vị trí cân đối. Lấy hai sợi thép siết định vị;
- Và việc cuối cùng rất đơn giản là… lấy búa ra gõ. Thật thế. Gõ búa ok rồi. Không cần cầu kỳ máy ép máy iếc gì đâu.
Nếu có điều kiện thì ép nhiệt. Chất lượng keo ép dán sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, về cơ bản thì gõ búa đã quá ổn. Vì trong quá trình sử dụng, dây băng tải luôn ép lớp cao su bọc này lên mặt ru-lô khi vận hành. Ngoại trừ một số trường hợp môi trường sử dụng hoặc kết cấu cơ khí đặc thù, còn thì nói chung càng sử dụng càng bền. Cho tới khi mòn hết cao su phải thay, hoặc rách rãnh cao su dẫn tới bị xé lớp cao su bọc theo rãnh.
Đơn giản vậy thôi.
Tham khảo thêm về kỹ thuật gia công pulley băng tải
Các bạn có thể tham khảo thêm các bài viết khác chia sẻ kỹ thuật và kinh nghiệm gia công cơ khí chuyên ngành băng tải tại thư viện bài viết chia sẻ dưới đây, hoặc tham khảo trong video các sản phẩm hệ thống băng tải do Băng Tải Việt Phát thiết kế thi công.
Chân thành cám ơn các bạn đã đọc bài chia sẻ!
Tham khảo thêm: Thư Viện Kiến Thức & Kinh Nghiệm Gia Công Các Hệ Thống Băng Tải