Băng tải nhựa POM (Viết tắt thuật ngữ Tiếng Anh: Polyoxymethylene) và băng tải nhựa PP (Viết tắt thuật ngữ Tiếng Anh: Polypropylene) là hai dòng vật liệu băng tải nhựa phổ biến được sử dụng nhiều nhất trong nhiều ngành công nghiệp. Dưới đây, Băng Tải Việt Phát liệt kê một số so sánh giữa hai dòng vật liệu POM và PP này với nhau trong cả ứng dụng kỹ thuật và giá thành để giúp bạn hiểu rõ hơn về từng loại.
Tham khảo thêm: 100+ Mẫu Băng Tải Nhựa Ứng Dụng Phổ Thông Và Đẹp Nhất Từ Năm 2015 Tới Năm 2023.
So sánh đặc tính vật liệu:
- POM: Nhựa POM (Polyoxymethylene) là một loại nhựa kỹ thuật có độ cứng và độ bền cao. Nó có khả năng chống ma sát tốt, chịu được mài mòn và có khả năng tự bôi trơn. POM cũng có độ bền kéo cao và chống hóa chất tốt. Nói chung, về đặc tính vật liệu nhựa, băng tải nhựa POM tốt hơn băng tải nhựa PP.
- Do đặc tính chịu lực kéo, khả năng chịu ma sát và chống mài mòn của nhựa POM tốt hơn nhựa PP, nên 100% các dòng băng tải xích nhựa đều sử dụng vật liệu POM. Vì liên quan tới truyền động và kéo tải. Còn băng tải nhựa thì có cả POM và PP.
- PP: Nhựa PP (Polypropylene) là một loại nhựa linh hoạt, nhẹ hơn POM, có khả năng chống hóa chất và chống dính dầu tốt hơn POM một chút. Nhựa PP không mềm trong nhiệt độ thấp và có khả năng chịu nhiệt đến mức trung bình. Nhựa PP cũng có độ bền kéo tương đối cao.
- Do chính chống dính dầu bề mặt nhựa tốt hơn của nhựa PP tốt hơn nhựa POM một chút, mà giá thành lại rẻ hơn, nên nhựa PP rất phổ thông trong các dòng băng tải nhựa ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Băng tải các dòng này không yêu cầu quá cao về tải trọng, mà chú trọng hơn tới khả năng an toàn thực phẩm. Các cơ cấu đánh giá hệ thống an toàn thực phẩm của băng tải thường gồm: vật liệu mặt dây băng tải tiếp xúc với thực phẩm (inox 304, nhựa PP, nhựa POM, dây PU đều an toàn thực phẩm), thiết kế mặt dây băng tải kín hở (cần chống góc cạnh kẹt vụn sản phẩm), và kết cấu cơ khí cụm hệ thống băng tải (cần kết cấu đơn giản, ít dây xích sên truyền động, ít tra dầu mỡ và cách xa các thiết bị linh kiện cần tra đầu mỡ trong hệ thống.) Đọc thêm tại đây: Các Yếu Tố Đánh Giá An Toàn Thực Phẩm Của Một Hệ Thống Băng Tải.
So sánh ứng dụng theo ngành công nghiệp:
- POM: Băng tải nhựa POM thường được sử dụng trong các ngành công nghiệp có yêu cầu chịu mài mòn cao như ngành công nghiệp sản xuất vỏ xe ô tô, ngành công nghiệp lắp ráp linh kiện điện tử, các kho hàng vận chuyển, đóng gói…. Nhựa POM, như đã chia sẻ ở trên, được sử dụng chính làm bánh răng, bánh nhông, xích nhựa, bộ truyền động và các thành phần cơ khí khác liên quan tới nhựa.
- PP: Băng tải nhựa PP thường được sử dụng trong các ngành công nghiệp như chế biến thực phẩm, đóng gói, dệt may và hóa chất với các hệ thống không đòi hỏi tải trọng quá cao. Nhựa PP có khả năng chống dính dầu, chống tác động hóa chất hàm lượng thấp khá tốt, nên nó thích hợp cho các ứng dụng yêu cầu khả năng chịu hóa chất.
So sánh độ bền và tuổi thọ:
- POM: Băng tải nhựa POM có độ bền cao, chịu được lực kéo và ma sát lớn trong thời gian dài. Điều này làm cho nó có tuổi thọ dài hơn so với nhiều loại vật liệu nhựa khác, trong đó có vật liệu nhựa PP.
- PP: PP cũng có độ bền cao. Nếu hệ thống băng tải không quá đòi hỏi tải trọng nặng thì vật tư dây băng tải PP và dây băng tải POM có tuổi thọ ngang nhau. Tức thời gian lão hóa nhựa rồi phải thay vật tư như nhau. Tuy nhiên, độ bền của PP thường ít hơn so với POM khi chịu tác động ma sát và mài mòn. Trong môi trường sử dụng có ma sát, mài mòn hoặc có tải trọng tương đối cao (từ 5000N/m trở lên) thì băng tải nhựa PP không bền và tuổi thọ sử dụng ngắn hơn băng tải POM.
So sánh điều kiện môi trường sử dụng:
- POM: Nhựa POM có khả năng chống oxy hóa và chống thời tiết tốt hơn so với PP. Vậy nên, băng tải nhựa POM có thể để hoạt động thường xuyên ngoài trời. Tuy nhiên, nếu thường trực ngoài trời và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, băng tải nhựa POM không bằng được băng tải xích lưới inox hoặc băng tải cao su.
- PP: Nhựa PP như đã phân tích về tính chất vật liệu ở bên trên, tuyệt không sử dụng thiết kế các hệ thống băng tải chạy ngoài trời. Cực nhanh hư, nhanh đứt dây băng tải. Và tốc độ lão hóa nhựa khi để băng tải nhựa PP ngoài trời cũng cực nhanh.
So sánh khả năng chịu nhiệt:
Không có con số cố định chính xác về dải chịu nhiệt của băng tải nhựa PP và băng tải nhựa POM. Lý do là các hãng sản xuất khác nhau thường có pha phụ gia chịu nhiệt vô vật liệu nhựa khác nhau, nên khả năng chịu nhiệt chính xác của nhựa cần kiểm tra trong catalog hãng sản xuất.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tóm lại vài điểm chính cần chú ý về khả năng chịu nhiệt của băng tải nhựa:
- Cả băng tải nhựa POM và băng tải nhựa PP đều không chịu được nhiệt âm trong các hệ thống IQF. Trong trường hợp này bắt buộc phải sử dụng các dòng băng tải nhựa PE hoặc các dòng băng tải lưới inox 304.
- Cả băng tải nhựa POM và băng tải nhựa PP đều không chịu được nhiệt cao trên 120 độ C. Trường hợp tải nhẹ nhiệt cao, chúng ta sử dụng băng tải PTFE (còn gọi là teplon, hoặc teflon). Trường hợp chịu nhiệt cao và tải nặng, chúng ta sử dụng băng tải xích tấm inox 304 cho ứng dụng mặt kín, băng tải xích lưới inox 304 cho ứng dụng mặt hở.
- POM: Nhựa POM có khả năng chịu nhiệt tốt và có thể hoạt động ở nhiệt độ cao hơn chút xíu so với nhựa PP. Tuy nhiên, còn tùy nhà sản xuất băng tải nhựa. Nhiệt độ làm việc thông thường của băng tải nhựa POM có thể đạt đến tối 100-115°C.
- PP: Nhựa PP có khả năng chịu nhiệt trung bình và có thể hoạt động ở nhiệt độ thấp đến trung bình. Nhiệt độ làm việc thông thường của PP thường không vượt quá 80-100°C. Tuy nhiên, vẫn nhắc lại là năng lực chịu nhiệt tối đa của băng tải nhựa PP (và cả POM) cũng phụ thuộc vô vật liệu nhựa của nhà sản xuất.
- Cả băng tải nhựa POM và băng tải nhựa PP nếu gia cường chất phụ gia chịu nhiệt chuyên dụng thì có khả năng chịu nhiệt tới 130°C. Điểm kẹt là không đơn vị cung cấp băng tải nào tại Thành Phố Hồ Chí Minh có sẵn hàng tồn dòng này. Phải nhập khẩu nguyên kiện. Và giá thành khá mắc.
So sánh chi phí giá thành:
- POM: Nhựa POM là một loại nhựa kỹ thuật cao cấp, chi phí vật tư mắc hơn. Do vậy, chi phí sản xuất và mua băng tải nhựa POM thường cao hơn so với PP khoảng 40% tới 50%. Hiện Băng Tải Việt Phát cung cấp băng tải nhựa POM cả thiết kế mặt kín mặt hở, thiết kế phổ thông dễ sử dụng nhất bước xích 25.4mm, độ dày 10mm, giá từ 3.700.000 VND/m2 tới 4.000.000 VND/m2.
- PP: Nhựa PP chi phí vật tư rẻ hơn nhựa POM. Nên giá thành băng tải nhựa cũng rẻ hơn. Hiện Việt Phát cung cấp băng tải nhựa PP cả thiết kế mặt kín và mặt hở, thiết kế phổ thông dễ sử dụng nhất, bước xích 25.4mm, độ dày 10mm, giá từ 2.700.000 VND/m2 tới 2.950.000 VND/m2.
Nếu các bạn thực sự xông xênh tài chánh, có thể cân nhắc sử dụng băng tải nhựa Intralox. Cả dòng vật liệu PP và vật liệu POM. Hãng băng tải nhựa Intralox gọi dòng vật liệu POM là Acetal. Giá thành thì rất chát. Nhưng nói chung chất lượng thì… tiền nào của đó. Không thể có và không thể kiếm ra bất cứ điểm nhỏ nào để chê sản phẩm băng tải nhựa Intralox, từ ngoại quan tới chất lượng.
Tóm lại, băng tải nhựa POM và băng tải nhựa PP có những ưu điểm và ứng dụng riêng. Việc lựa chọn giữa hai loại băng tải này phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của ngành công nghiệp, ứng dụng sử dụng, và khả năng tài chánh của người sử dụng. Các bạn có thể liên hệ Băng Tải Việt Phát để nhận tư vấn kỹ thuật miễn phí. Các số điện thoại và zalo thường trực đều có ghi chú trong website này. Hoặc các bạn có thể tự tham khảo các bài chia sẻ kỹ thuật băng tải của Việt Phát tại đây: 100+ Bài Chia Sẻ Kỹ Thuật Chuyên Ngành Băng Tải.