Bạc đạn (thuật ngữ Tiếng Anh là “bearings”) trong các ngành công nghiệp có thể được coi là dòng phụ kiện phổ thông nhất. Máy móc nào cũng có và cần. Ở đâu cũng có và cần. Bạc đạn tùy từng địa phương có thể được gọi là vòng bị, ổ bi, ổ lăn… Tên gọi có thể khác nhau, nhưng tính năng, ứng dụng kỹ thuật thì giống nhau. Bạc đạn có thể tính là dòng vật tư tiêu hao phẩm trong các hoạt động công nghiệp.
Việt Phát đã có bài viết chia sẻ tổng quan về các kiến thức cần biết khi sử dụng bạc đạn tại đây: 10 Điểm Buộc Phải Biết Khi Sử Dụng Vòng Bi Bạc Đạn. Còn bài viết dưới đây hơi chuyên sâu hơn, chia sẻ về phương thức phân loại các dòng bạc đạn phổ thông thường thấy nhất, phân tích về kết cấu bạc đạn, cách đọc mã hàng tiêu chuẩn từng dòng hàng, ứng dụng kỹ thuật khác nhau của mỗi kết cấu hay mỗi mã hàng bạc đạn. Và cũng phân tích luôn về chi phí giá thành khi sử dụng.
Phân biệt bạc đạn theo hình dạng bi bạc đạn
Đây là cách phân biệt thường gặp nhất của các dòng vòng bi bạc đạn. Chúng ta dựa vô hình dáng bi của một dòng bạc đạn để xác định kết cấu và ứng dụng chính của nó. Cách phân biệt theo hình dáng bi bạc đạn này là cơ bản nhất, nên hình dáng bi bạc đạn thường được đặt luôn thành tên của dòng bạc đạn.
Phân biệt bạc đạn theo hình dáng bi của bạc đạn có thể tạm chia làm vài chủng loại hay gặp nhất như sau:
- Bạc đạn bi cầu tròn;
- Bạc đạn bi con lăn dạng đũa;
- Bạc đạn bi con lăn dạng kim;
- Bạc đạn bi con lăn dạng côn;
- Bạc đạn bi con lăn tang trống.
Phân biệt bạc đạn theo hướng tán lực
Bản chất ứng dụng của bạc đạn là tán lực và giảm ma sát các hoạt động quay tròn tốc độ cao của các linh kiện máy. Nên chúng ta cũng có cách phân biệt bạc đạn theo tính chất hướng tán lực của kết cấu bạc đạn. Có thể điểm danh một số dòng chính của bạc đạn được phân loại theo dạng hướng tán lực như sau:
- Bạc đạn đồng trục (dạng bạc đạn bi đũa);
- Bạc đạn đảo trục cường độ ít (dạng bạc đạn bi cầu):
- Bạc đạn chặn trục (tán lực đè từ trên xuống dưới);
- Bạc đạn tự chỉnh tán lực một dãy (dạng bạc đạn côn, bạc đạn tang trống một dãy);
- Bạc đạn tự chỉnh tán lực đa dãy(dạng bạc đạn côn, bạc đạn tang trống hai dãy, bốn dãy…)
Phân biệt theo đường kính lỗ trục trong của bạc đạn
Lỗ trục trong của bạc đạn là một thông số có thể coi là quan trọng nhất trong các thông số kỹ thuật của các dòng bạc đạn. Thuật ngữ Tiếng Anh gọi là Bearings Inner Diameter. Hay được viết tắt là ID.
Vì đây là thông số quan trọng nhất, nên các hãng sản xuất bạc đạn quốc tế đều thống nhất sử dụng 02 con số cuối trong tất cả các mã hàng vòng bi bạc đạn tiêu chuẩn để chỉ thông số này. Một số lượng rất rất hiếm các mã hàng siêu siêu đặc thù như các bạc đạn có đường kính lỗ trục dưới 05 mi-li-mét, hay bạc đạn siêu siêu lớn có đường kính trên 05 mét, thì các hãng có mã hàng riêng. Còn thì 100% các hãng đều tuân thủ tiêu chuẩn chung phân biệt bạc đạn theo đường kính lỗ trục áo vòng trong của bạc đạn này.
Tất cả các mã bạc đạn xác định đường kính lỗ trục vòng trong bằng hai con số cuối trong mã hàng như sau:
- Số 00: đường kính lỗ trục 10 mi-li-mét
- Số 01: đường kính lỗ trục 12 mi-li-mét
- Số 02: đường kính lỗ trục 15 mi-li-mét
- Số 03: đường kính lỗ trục 17 mi-li-mét
- Từ số 04 trở lên: Lấy con số này nhân với 05 sẽ ra đường kính lỗ trục. Ví dụ mã bạc đạn 6204 sẽ có đường kính lỗ trục 20 mi-li-mét, mã bạc đạn 6206 sẽ có đường kính lỗ trục 30 mi-li-mét, mã bạc đạn 6207 sẽ có đường kính lỗ trục 35 mi-li-mét.